Phương thức thanh toán nhờ thu(Collection of Payment) là gì?

Ngoài phương thức thanh toán khá phổ biến hiện nay như thanh toán thư tín dụng chứng từ L/C hay thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T thì doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể tính đến phương thức thanh toán nhờ thu. Vậy Phương thức nhờ thu là gì? quy trình thanh toán nhờ thu như thế nào và có những loại thanh toán nhờ thu nào?

Phương thức thanh toán nhờ thu là gì?

Là việc ngân hàng thay mặt Nhà xuất khẩu (Người ủy nhiệm) thu hộ một khoản tiền từ Nhà nhập khẩu (Người có trách nhiệm thanh toán hối phiếu) trên cơ sở hối phiếu và/ hoặc chứng từ giao hàng.

Hiện nay, nghiệp vụ nhờ thu trong thanh toán quốc tế thường được tiến hành theo Quy tắc thống nhất về nhờ thu- Uniform Rules for Collection – viết tắt URC số 522 của Phòng Thương mại quốc tế.

Chứng từ nhờ thu

Theo URC 522, chứng từ nhờ thu là các chứng từ tài chính và / hoặc chứng từ thương mại.
+ Chứng từ tài chính – financial documents là hối phiếu, kỳ phiếu, séc hoặc các chứng từ tương tự nhằm mục đích chi trả.
+ Chứng từ thương mại – commercial documents là hoá đơn, vận tải đơn, các chứng từ về quyền sở hữu hoặc các chứng từ tương tự hoặc bất cứ chứng từ nào không phải là chứng từ tài chính.
Các loại nhờ thu
Căn cứ vào chứng từ gửi nhờ thu, phương thức nhờ thu bao gồm hai loại:
+ Nhờ thu trơn – clean collection là nhờ thu chứng từ tài chính không kèm chứng từ thương mại.
+ Nhờ thu chứng từ – documentary collection là nhờ thu:
– Chứng từ tài chính kèm chứng từ thương mại
– Chứng từ thương mại không kèm chứng từ tài chính.
Trong thanh toán ngoại thương, phương thức nhờ thu chứng từ được sử dụng phổ biến hơn.
Các bên tham gia nghiệp vụ nhờ thu
– Người XK – người ủy thác thu: Principal
– Ngân hàng chuyển chứng từ – ngân hàng được ủy thác thu: Remitting bank
– Ngân hàng thu hộ – có thể đồng thời là ngân hàng xuất trình chứng từ: Collecting bank
– Người trả tiền – người NK hoặc một ngân hàng do người NK chỉ định: Drawee

Quy trình nhờ thu

(1) Người bán(XK) giao hàng cho người mua(NK)

(2) Người bán lập BCT thanh toán chuyển cho Ngân hàng bên bán và nhờ ngân hàng thu hộ

(3) Ngân hàng bên bán chuyển toàn bộ chứng từ thanh toán cho Ngân hàng bên mua và nhờ ngân hàng này thu hộ ở người mua

(4) Ngân hàng bên mua yêu cầu người mua trả tiền để nhận chứng từ

(5) Người mua trả tiền cho ngân hàng bên mua và nhận chứng từ.

(6) Ngân hàng bên mua chuyển tiền cho ngân hàng bên bán

(7) Ngân hàng bên bán chuyển tiền cho người bán

Các hình thức nhờ thu

Nhờ thu trơn

1- Người XK giao hàng/cung ứng dịch vụ và gửi chứng từ cho người NK.
2- Ký phát hối phiếu và viết chỉ thị nhờ thu gửi đến ngân hàng phục vụ mình nhờ thu hộ tiền từ người NK nước ngoài.
3- Ngân hàng chuyển hối phiếu và chỉ thị nhờ thu cho ngân hàng đại lý ở nước người NK thu hộ.
4- Ngân hàng thu hộ xuất trình hối phiếu theo đúng chỉ thị nhờ thu cho người trả tiền.
5- Người trả tiền tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền hối phiếu.
6- Ngân hàng thu hộ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng chuyển.
7-Ngân hàng chuyển trả tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho người XK.
Phương thức nhờ thu trơn rất ít được áp dụng trong thanh toán tiền hàng vì không đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên: người XK và người NK do việc nhận hàng và thanh toán tách rời nhau, vì vậy chỉ được sử dụng trong thanh toán phí hoặc trong nhờ thu séc giữa các ngân hàng.


Nhờ thu chứng từ

1- Người XK giao hàng cho người NK.
2- Lập chứng từ thương mại có hoặc không kèm theo hối phiếu và viết chỉ thị nhờ thu gửi đến ngân hàng phục vụ mình nhờ thu hộ tiền từ người NK nước ngoài.
3- Ngân hàng chuyển bộ chứng từ và chỉ thị nhờ thu cho ngân hàng đại lý ở nước người NK thu hộ.
4- Ngân hàng thu hộ xuất trình chứng từ theo đúng chỉ thị nhờ thu cho người nhập khẩu
5- Người nhập khẩu tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền hối phiếu để nhận chứng từ đi nhận hàng.
6-Ngân hàng thu hộ chuyển tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho ngân hàng chuyển (nếu được yêu cầu, ngân hàng thu hộ có thể giữ lại hối phiếu đã được chấp nhận, chờ khi đến hạn thanh toán sẽ thu tiền rồi chuyển trả tiền).
7-Ngân hàng chuyển trả tiền hoặc hối phiếu đã được chấp nhận cho người XK.

 

So với nhờ thu trơn, nhờ thu chứng từ đảm bảo quyền lợi cho người XK hơn bởi lẽ ngân hàng trong phương thức này đã thay người XK khống chế chứng từ hàng hóa, người NK có trả tiền hay chấp nhận trả tiền mới được nhận bộ chứng từ đi nhận hàng. Tuy nhiên, việc thu tiền của người XK vẫn chưa chắc chắn vì :
Với điều kiện nhờ thu trả tiền giao chứng từ – Documents against payment (D/P) : tuy còn giữ quyền kiểm soát hàng hoá sau khi giao hàng nhưng nếu người NK không nhận hàng và không trả tiền, người XK phải tốn phí thời gian và tiền bạc để thu hồi vốn hoặc giải quyết lô hàng đã gửi.
Với điều kiện nhờ thu chấp nhận trả tiền đổi chứng từ – Documents against acceptance (D/A) : Người XK mất quyền kiểm soát hàng hóa sau khi hối phiếu được chấp nhận , việc thu tiền lúc này hoàn toàn tuỳ thuộc thiện chí của người NK.
Trong trường hợp hàng được gửi bằng đường hàng không hoặc một vài phương thức vận tải khác, vận đơn hàng không hoặc các chứng từ tương tự không phải là chứng từ sở hữu hàng hoá, do đó hàng hoá có thể được chuyển giao cho người NK trong khi việc thanh toán hoặc chấp nhận chưa được thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *